Thụ Hồ Đông
Thụ Hồ Đông
🏅 Top Voice
 · Founder @ OKR Hub
Lãnh đạo

Giải mã "Chiến lược": Những lầm tưởng & bản chất thực sự của chiến lược.

Những lầm tưởng về chiến lược: Chiến lược không phải là gì?

Mình muốn tiếp cận bài viết hôm nay bằng một cách khác lạ một chút, vì vậy, trước hết, hãy cùng mình "bóc tách" xem chiến lược KHÔNG phải là gì nhé.

*Lưu ý rằng đây là góc nhìn cá nhân của mình, mình cũng khuyến khích mọi người tham khảo thêm nhiều góc nhìn và thảo luận cởi mở nhé

  1. Chiến lược không phải là một bộ KPI (Chỉ số đo lường hiệu suất). Đó đơn giản chỉ là danh sách các chỉ số để theo dõi thôi.

  2. Chiến lược không phải là một danh sách các sáng kiến. Cái đó gọi là lộ trình (roadmap).

  3. Chiến lược không phải là một loạt các tham vọng hay mơ ước. Đấy giống một bảng tầm nhìn (vision board) hơn.

  4. Chiến lược không phải là danh sách các hành động cụ thể. Đó là kế hoạch thực thi chi tiết.

  5. Chiến lược cũng không phải là bản dự báo doanh thu. Đấy là việc lập kế hoạch tài chính.

Chúng ta đã điểm qua những thứ dễ bị 'gán mác' chiến lược nhưng thực chất lại không phải.

assorted notepads

Tất cả những điều trên - lộ trình, tầm nhìn, kế hoạch hành động hay dự báo tài chính hay KPI - đều rất quan trọng và cần thiết, nhưng chúng giống như những công cụ hỗ trợ, những sản phẩm đầu ra hoặc những mảnh ghép trên con đường xây dựng chiến lược, chứ bản thân chúng chưa phải là toàn bộ bức tranh chiến lược hay la bàn chỉ hướng cốt lõi.

Việc phân biệt rõ ràng này giúp chúng ta không bị sa đà vào chi tiết mà quên mất định hướng lớn. Vậy thì, sau khi đã rõ chiến lược KHÔNG phải là gì rồi, câu hỏi quan trọng tiếp theo: “Chiến lược thực sự là gì?"

Vậy chiến lược thực sự là gì?

Vậy thì, sau khi loại trừ hết những thứ "không phải", chiến lược thực sự là gì?

Trước tiên, hãy cùng tham khảo trước định nghĩa về chiến lược của các nhà tư tưởng, chuyên gia và các công ty tư vấn hàng đầu.

Michael Porter quote on Strategy

Strategy is the creation of a unique and valuable position, involving a different set of activities." ... "Strategy is about making choices, trade-offs; it's about deliberately choosing to be different."

"Chiến lược là việc tạo ra một vị thế độc đáo và có giá trị, bao gồm một tập hợp các hoạt động khác biệt." ... "Chiến lược là việc đưa ra lựa chọn, đánh đổi; đó là việc cố ý chọn trở nên khác biệt."

Nguồn: Michael E. Porter, "What Is Strategy?", Harvard Business Review, November-December 1996.

How to Use the McKinsey 7-S Model for Strategic Planning

"Strategy is an integrated set of choices that uniquely positions the firm in its industry so as to create sustainable advantage and superior value relative to the competition."

Chiến lược là một tập hợp các lựa chọn tích hợp nhằm định vị duy nhất công ty trong ngành của mình để tạo ra lợi thế bền vững và giá trị vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.”

Nguồn: McKinsey Insights/Quarterly

Tất nhiên, với mỗi bối cảnh, quy mô mục tiêu, mô hình tổ chức, cách định nghĩa về chiến lược sẽ có sự khác nhau nhất định. Chính vì vậy, từ quan điểm của cá nhân mình, chiến lược có thể được định nghĩa như sau:

Chiến lược là tập hợp các lựa chọn và hành động nhằm hướng đến một mục tiêu cụ thể.

Mình sẽ làm rõ hơn thông qua 1 ví dụ như sau:

Một công ty đặt mục tiêu "Trở thành thương hiệu thời trang công sở số 1 về mức độ nhận biết tại TP.HCM cho đối tượng nữ 25-35 tuổi vào cuối năm 2026".

  • Về phần Mục tiêu: Có thể thấy mục tiêu này đã có tính cụ thể (thương hiệu thời trang công sở số 1 về nhận biết), có đối tượng (nữ 25-35), địa bàn (TP.HCM) và thời hạn (cuối năm 2026).

  • Về phần Lựa chọn chiến lược (Set of strategy choices): Để đạt mục tiêu, họ cần đưa ra các lựa chọn chiến lược: chọn làm cái này thay vì cái kia, chọn tập trung vào điểm mạnh này thay vì dàn trải, chọn phân bổ nguồn lực vào đây thay vì chỗ khác, thậm chí chọn không làm một số việc. Những lựa chọn này cần phải nhất quán, bổ trợ lẫn nhau và tạo ra một con đường tối ưu (hoặc ít nhất là khả thi) để tiến tới mục tiêu.

    • Ví dụ Lựa chọn 1: Tập trung vào thiết kế thanh lịch, chất liệu tốt, giá tầm trung (thay vì chạy theo trend nhanh hoặc giá rẻ).

    • Lựa chọn 2: Chỉ bán hàng qua kênh online (website, sàn TMĐT) và một cửa hàng flagship tại trung tâm TP.HCM (thay vì mở nhiều cửa hàng nhỏ lẻ).

    • Lựa chọn KHÔNG làm: Không sản xuất dòng sản phẩm cho nam giới, không giảm giá liên tục.

  • Về phần Hành động (Action): Đây là phần "thực thi" của chiến lược. Các lựa chọn ở trên sẽ chỉ là lý thuyết nếu không được chuyển hóa thành những hành động cụ thể, có kế hoạch rõ ràng.

    • Ví dụ: Hành động liên quan Lựa chọn 1: Ký hợp đồng với nhà thiết kế A, tìm nguồn cung cấp vải B, làm việc với xưởng may C.

    • Hành động liên quan Lựa chọn 2: Xây dựng website bán hàng, đăng ký gian hàng trên Shopee Mall/Lazada Mall, tìm và thuê mặt bằng cho cửa hàng flagship.

Qua đó, có thể hiểu chiến lược không phải là một danh sách các việc cần làm rời rạc, mà là một chuỗi liên kết chặt chẽ: từ việc xác định rõ Đích đến (Mục tiêu), đến việc cân nhắc và Chọn con đường (Lựa chọn) thông minh nhất dựa trên thực tế, và cuối cùng là Bước đi (Hành động) cụ thể trên con đường đã chọn.

Quy trình 5 bước để lập chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Để hình dung cụ thể hơn, hãy tưởng tượng bạn đang xây dựng chiến lược kinh doanh cho công ty của mình và đây quy trình 5 bước giúp bạn lập chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả.

Bước 1: Xây dựng Mục tiêu (Business Objectives)

Hãy xác định rõ ràng những tác động bạn mong muốn đạt được trên các khía cạnh:

  • Kinh doanh (Doanh thu, lợi nhuận, thị phần...)

  • Thương hiệu (Nhận diện, uy tín, tình cảm khách hàng...)

  • Tổ chức (Văn hóa, năng lực đội ngũ, hiệu quả vận hành...)

Bước 2: Phát triển Lập trường Chiến lược (Develop Strategic Theme)

Đây là lúc bạn cần hình thành những quan điểm, niềm tin vững chắc dựa trên hiểu biết sâu sắc về các yếu tố chiến lược trong những lĩnh vực then chốt:

  • Ngành: Khách hàng mục tiêu là ai, đối thủ cạnh tranh làm gì, xu hướng thị trường ra sao, có quy định pháp lý nào cần lưu ý?

  • Sản phẩm: Nên đổi mới sáng tạo, cải tiến liên tục, mở rộng danh mục, tập trung vào trải nghiệm người dùng (UX) hay áp dụng công nghệ mới nào?

  • Kinh doanh: Có nên mở rộng ra quốc tế, thay đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào chiến lược ổn định hay đa dạng hóa, có nên tìm kiếm đối tác chiến lược mới không?

  • Thương hiệu: Dịch vụ khách hàng cần cải thiện gì, chiến lược truyền thông ra sao?

  • Tổ chức: Cần những kỹ năng nào mới, nguồn lực phân bổ ra sao, cấu trúc tổ chức và quy trình làm việc có cần tối ưu không?

Bước 3: Quyết định Lĩnh vực Tập trung Chiến lược (Decide on Strategic Focus Areas)

Từ những phân tích ở bước 2, giờ là lúc xác định đâu là những lĩnh vực có đòn bẩy cao nhất (mang lại kết quả lớn nhất với nỗ lực bỏ ra).

Hãy thiết lập các nguyên tắc và ưu tiên chiến lược rõ ràng.

Quan trọng không kém là đặt ra "la bàn thực thi" (định hướng hành động) và cả "rào cản" (những việc quyết định sẽ không làm) để giữ cho cả đội đi đúng hướng.

person holding black and green compass pointing to west

Bước 4: Phân rã Vấn đề (Problem Breakdown)

Để biến chiến lược thành hiện thực, bạn cần chia nhỏ nó ra:

  1. Xác định những thách thức chính cần vượt qua.

  2. Thiết lập các cột mốc quan trọng cần đạt được trên đường đi.

  3. Phác thảo những sáng kiến (initiatives) cấp cao để giải quyết thách thức và đạt cột mốc.

Bước 5: Thực thi (Execution)

Bạn có thể sử dụng các phương pháp quản lý như OKRs (Mục tiêu và Kết quả Then chốt) để theo dõi tiến độ. Với các đội nhóm nhỏ hơn, việc tương tác trực tiếp thường xuyên và đảm bảo mọi người cùng nhìn về một hướng cũng rất hiệu quả.

What is OKR? Your ultimate guide with examples - 2024

Tạm kết

Vậy là chúng ta đã cùng nhau "giải mã" những lầm tưởng thường gặp về chiến lược và khám phá quy trình 5 bước xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Điều cốt lõi mà mình muốn nhấn mạnh qua bài viết này đó là":

Chiến lược không phải là một bản danh sách tĩnh tại, mà là một tập hợp các lựa chọn chủ động và có tính liên đới, được đưa ra dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh.

Hãy bắt đầu bằng việc đặt ra những câu hỏi "tại sao" sâu sắc về mục tiêu, thị trường và năng lực của bạn. Hãy dám khác biệt, tập trung nguồn lực vào những điểm then chốtkhông ngừng học hỏi, điều chỉnh trên hành trình thực thi.

Chỉ khi đó, chiến lược mới thực sự trở thành kim chỉ nam dẫn dắt doanh nghiệp bạn đến thành công bền vững.

Other Articles

Other Topics